Ngay từ lần đầu tiên được dàn dựng, “Bệnh sĩ" đã trở thành một hiện tượng sân khấu khi vở kịch chạm tới sự bi hài của xã hội Việt Nam thời kỳ bao cấp. Câu chuyện bắt đầu khi ông chủ tịch Toàn Nha quyết định “thay tên đổi họ” xã Cà Hạ thành Hùng Tâm dưới sự cố vấn của “quân sư” Văn Sửu. Với quyết tâm “Phấn đấu để mỗi sáng mai thức dậy, người dân Việt Nam đều mơ ước là dân xã Hùng Tâm”, căn bệnh sĩ diện hão dần len lỏi vào từng xã viên khi ai cũng muốn trở nên thật “oách”, từ đó gây nên nhiều tình huống hài hước, dở khóc dở cười. Với sức nóng vượt thời gian và không gian - từ trong nước ra quốc tế, từ quá khứ đến hiện tại, “Bệnh sĩ” sau gần 4 thập kỷ vẫn vẹn nguyên tính thời sự, vẹn nguyên những triết lý sâu sắc về đạo đức con người.
Vở kịch “Người trong cõi nhớ" đem đến cho khán giả một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo với đa dạng các chiều không gian khác nhau. Lưu Quang Vũ quan niệm: Ngoài thế giới của những người đang sống và cõi lặng im vĩnh hằng của những người đã chết, còn một cõi thứ ba. Đó là cõi của những người sống trong trí nhớ của người ở lại, những người không bị lãng quên. “Người trong cõi nhớ” là tác phẩm kịch mang đậm phong cách của Lưu Quang Vũ, chuyển tải những triết lý sâu sắc, thấm đẫm tính nhân văn và niềm tin vào cuộc sống - nơi những con người dù nhỏ bé nhất cũng có sức ảnh hưởng thật lớn lao tới cuộc đời. Vở diễn đã đạt Huy chương vàng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022.
Theo kế hoạch dự kiến, sau suất diễn vào ngày 27 và 28/7, vở kịch “Người trong cõi nhớ” sẽ tiếp tục được biểu diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam vào ngày 10 và 18/8; được biểu diễn tại rạp Đại Nam vào ngày 30/8. Vở “Bệnh sĩ” được diễn ra vào ngày 29/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo tiết lộ của Nhà hát Kịch Việt Nam, đây là suất diễn thứ 399 của vở “Bệnh sĩ”.
N.Hoa
Link bài viết: https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/chuong-trinh-nghe-thuat-tuong-nho-luu-quang-vu-i738852/