Lịch sử hình thành
Nhà hát Kịch Việt Nam (tiền thân là Đoàn Văn công Trung ương) được thành lập năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam có hơn 15 thế hệ diễn viên kế tiếp nhau với hơn 25 NSND, 58 NSƯT và tự hào là “Cánh chim đầu đàn”, là “Anh cả đỏ” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.
Trong chặng đường 70 năm qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã đào tạo được những thế hệ nghệ sĩ lừng danh mà tài năng của họ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng; đó là những con chim đầu đàn 3 Nhà hát Kịch Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển - một thế hệ vàng của sân khấu kịch nói Việt Nam, với những tên tuổi lừng lẫy như NSND Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long, NSND Trúc Quỳnh, NSND Nguyễn Đình Nghi... đến các thế hệ kế tiếp như NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Doãn Châu, NSND Phạm Thị Thành...; các nghệ sĩ ưu tú như: NSƯT Nguyệt Ánh, NSƯT Hà Văn Trọng, NSƯT Mỹ Dung, NSƯT Phạm Bằng, NSƯT Quang Thái, NSƯT Tú Mai… và thế hệ nghệ sĩ kế tiếp: NSND Lan Hương, NSND Anh Tú, NSND Tuấn Hải, NSND Lệ Ngọc, NSND Quốc Khánh, NSND Xuân Bắc, NSND Lâm Tùng và những nghệ sĩ như NSƯT Trung Anh, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Mai Nguyên, NSƯT Phương Nga, NSƯT Quỳnh Hoa... cùng nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng khác.
Trong suốt chiều dài 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng và biểu diễn thành công hàng trăm vở diễn, trong đó những vở diễn như “Lu - Ba”, “Khúc thứ ba bi tráng”, “Bài ca Điện Biên”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, “Đại đội trưởng của tôi”, “Vụ án người đốt đền”, “Lịch sử và nhân chứng”, “Sống bằng tên người khác”, “Bệnh trắng”, “Vua Lia”, “Giấc mộng đêm hè”, “Nhân danh công lý”, “Đêm trắng”… là những vở diễn tiêu biểu, được khán giả trong nước cũng như công chúng nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Đây cũng là những vở diễn gây được tiếng vang lớn trong những kỳ Liên hoan Sân khấu Quốc tế. Nối tiếp truyền thống cha anh, các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam hôm nay đang tiếp tục cống hiến hết mình trong từng vai diễn. Những vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam luôn tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả yêu sân khấu như: “Mỹ nhân và anh hùng”, “Đêm của bóng tối”, “Chia tay hoàng hôn”, “Đi tìm điều không mất”, “Tai biến”, “Lâu đài cát”, “Biệt đội Báo đen”, “Bão tố Trường Sơn” và đặc biệt những kiệt tác sân khấu và văn học như “Hamlet”, “Lão hà tiện”, “Kiều”, “Romeo và Juliet”, “Hồng lâu mộng”…
Bên cạnh đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng chú trọng tới công tác đối ngoại, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nước, nhằm hướng tới xây dựng một Nhà hát trong tương lai phát triển mạnh mẽ và hòa nhập trong dòng chảy với nền sân khấu thế giới.
Giai đoạn 1952 - 1954
Vào những thập niên trước Cách mạng tháng Tám, sự xuất hiện bộ môn kịch nói của người Pháp tại Hà Nội như một luồng gió thổi vào sân khấu Việt Nam. Giới trí thức Việt Nam nhận thấy kịch nói có tác động mạnh mẽ tới công chúng và nhân dân. Việc phục vụ kháng chiến bằng vũ khí văn công, văn nghệ ngày càng trở nên hiệu quả. Năm 1952, Đảng và Chính phủ đã ra chỉ thị thành lập Đoàn Văn công nhân dân Trung ương (tiền thân Nhà hát Kịch Việt Nam ngày nay). Sau khi được thành lập, Đoàn Văn công (có Kịch nói và Chèo) là một bộ phận quan trọng góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Pháp.
Giai đoạn 1954 - 1965
Mùa thu 1954, Đoàn Văn công trở về Thủ đô nhận nhiệm vụ mới và dàn dựng những vở diễn mới để phục vụ nhân dân.Đây cũng là lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn thành phố, người dân được biết thế nào là Kịch kháng chiến và cũng là lần đầu tiên được tiếp xúc mới một nền văn nghệ khỏe khoắn, đầy tính chiến đấu nhưng vẫn chan chứa tìnhngười, mang đậm bản sắc dân tộc. Thời kỳ 1958 - 1964, Đoàn Kịch nói TW đã trưởng thành về mọi mặt cùng những tác phẩm sân khấu đạt tới độ hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức. Về mặt tổ chức, Đoàn Kịch nói TW sáp nhập thêm Đoàn Kịch nói Nam Bộ nên Đoàn Kịch ngày càng vững mạnh và có nhiều vở diễn lớn, phục vụ được nhu cầu của nhân dân và kháng chiến.
Năm 1964, nhận thấy đã đến lúc đủ sức, đủ lực để hình thành một đơn vị nghệ thuật mang tầm quốc gia và có thể đại diện cho nền kịch nghệ tiên tiến của nước nhà, Bộ Văn hóa đã quyết định đổi tên Đoàn Kịch nói Trung ương thành Nhà hát Kịch nói Trung ương (sau này đổi thành Nhà hát Kịch rồi Nhà hát Kịch Việt Nam
Giai đoạn 1965 - 1975
Đây là giai đoạn Nhà hát Kịch Trung ương hòa chung vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng dân tộc. Nhà hát Kịch Trung ương chuyển phương thức hoạt động từ chính quy sang cơ động, từ quy mô lớn sang quy mô nhỏ lẻ… dàn dựng và biểu diễn ở những nơi mà nghệ sĩ đi sơ tán…
Nhà hát Kịch Trung ương lúc này chia ra làm ba đoàn:
- Đoàn kịch Bắc: do nghệ sĩ Mạnh Linh làm Đoàn trưởng.
- Đoàn kịch Nam Bộ: chia làm hai mũi (Nam sông Gianh và Bắc sông Gianh) do hai nghệ sĩ Minh Trị và Lê An làm Đoàn trưởng.
- Đoàn kịch THanh niên do Phó Giám đốc, Đạo diễn Đình Quang làm Đoàn trưởng.
Năm 1965, cả ba đoàn lên đường ra chiến trường và bắt đầu cùng nhau trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn trong sáng tạo và
biểu diễn. Tất cả đã cùng nhau vượt qua 10 năm kháng chiến chống Mỹ đầy gian khó, viết lên những trang sử vẻ vang cho nghệ thuật kịch nói nước nhà, xứng đáng là giai đoạn mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Giai đoạn 1975 - 1995
Miền Nam giải phóng, Nhà hát Kịch Việt Nam xốc lại đội ngũ, chuẩn bị tiết mục để lên đường phục vụ bà con miền Nam trong niềm hạnh phúc và xúc động. Đây là thời kỳ Nhà hát bắt đầu góp phần cùng toàn dân xây dựng lại đất nước và chuyển hướng phục vụ từ chiến tranh sang hòa bình, hăng say lao động, cống hiến sức lực, trí tuệ trong công cuộc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ đổi mới
Giai đoạn 1995 - 2012
Từ năm 2000, một số vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam bắt đầu “xuất ngoại”, những chương trình hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam cùng nước ngoài đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Nền kịch nói Việt Nam có đầy đủ điều kiện để giới thiệu với thế giới là chúng ta có những tài năng đích thực trong nghệ thuật sân khấu. Đây cũng là giai đoạn Nhà hát Kịch Việt Nam xuất hiện nhiều khó khăn và khủng hoảng. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát vẫn nỗ lực lao động nghệ thuật; tiếp tục dàn dựng những vở diễn mới và phục dựng lại một số vở diễn cũ nổi tiếng
Giai đoạn 2012 - 2017 Đứng trước những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam giai đoạn mới với ý chí “Không gì là không thể” và tinh thần “Nhìn lại quá khứ - Vượt qua hiện tại - Hướng tới tương lai” cộng với niềm tự hào hơn 60 năm lịch sử của Nhà hát, Ban Giám đốc đã quyết tâm khắc phục những khó khăn, khủng hoảng của nhiều năm: sửa sang lại Nhà hát, dàn dựng những vở diễn mang đúng chất lượng và phong cách hàn lâm vốn có của Nhà hát. Kết quả cho sự nỗ lực ấy là khán giả đã quay trở lại với sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, nhiều tác phẩm đi thi quốc tế và đạt giải thưởng cao, nhiều tác phẩm xã hội hóa... Có thể nói đây là thời kỳ lấy lại thương hiệu nghệ thuật, giá trị “Anh cả đỏ” của Nhà hát Kịch Việt Nam với công chúng và khán giả yêu sân khấu.
Giai đoạn 2017 - Nay Tiếp nối thành tựu của những giai đoạn trước, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn giữ vững định hướng nghệ thuật: dàn dựng những vở kịch kinh điển, vở kịch hiện đại, phản ánh về đề tài nóng của đất nước và những vấn đề xã hội quan tâm như vấn nạn tham ô, tham nhũng, đạo đức con người, cuộc sống gia đình và những vấn đề xã hội khác.
Trong những năm qua, cùng với nền sân khấu nói chung, Nhà hát Kịch Việt Nam đã góp công sức to lớn trong việc thể hiện tiếng nói vào công cuộc đấu tranh những hành động tiêu cực; hướng tới việc xây dựng những hình tượng nghệ thuật có sức hấp dẫn, nêu gương những tấm gương tiêu biểu, điển hình… để góp phần giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.
Bên cạnh đó, Nhà hát vẫn tiếp tục dàn dựng những vở kịch kinh điển của nước ngoài để giới thiệu những tinh hoa nghệ thuật của thế giới đến với công chúng yêu kịch Việt Nam.
|