Kịch về chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kịch về chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vở kịch "Người đi dép cao su" tái hiện chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày đầu đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tác phẩm được công diễn ở Hà Nội dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Algeria. Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng dựa theo kịch thơ cùng tên của nhà văn Algeria - Kateb Yacine (1929-1989), sáng tác năm 1970.

Bản gốc gồm tám hồi, khoảng 150 nhân vật, 1.800 lời thoại, được đạo diễn Lê Mạnh Hùng biên tập ngắn gọn với thời lượng chưa đầy 60 phút. Thông qua hình tượng đôi dép cao su, kịch kể về hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và quân dân trong một phân cảnh. Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Minh Hải đóng) và quân dân trong một phân cảnh. Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Mở đầu vở là khoảnh khắc chàng trai Nguyễn Tất Thành (Lê Quang Đạo đóng) nhớ về những dấu mốc lịch sử của dân tộc như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thời chúa Trịnh. Sau đó là những sự kiện Nguyễn Ái Quốc bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch rồi về nước lãnh đạo cách mạng thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Minh Hải đóng) đọc tuyên ngôn độc lập, đạo diễn lồng tiếng từ tư liệu lịch sử, tạo cảm xúc chân thật.

Tác phẩm khép lại với chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Trong cảnh quân dân hát bài Hò kéo pháo (Hoàng Vân), bên dưới khán giả đồng loạt vỗ tay, tạo không khí hào hùng, vui tươi.

Đạo diễn Lê Mạnh Hùng cho biết việc đưa nhiều sự kiện lịch sử vào một vở kịch ngắn mà vẫn giữ nguyên được không gian kịch đồ sộ là điều không dễ. Anh cùng êkíp kết hợp kịch cổ điển châu Âu và sân khấu truyền thống của Việt Nam có tính ước lệ cao. Vở diễn không có xung đột, thắt nút, mở nút để đẩy cao trào, không tuân theo những quy tắc truyền thống. Dựng từ kịch thơ nhưng lời thoại của các nhân vật không phải thơ mà là văn xuôi có nhịp điệu.

"Kịch bản khó đối với người làm sân khấu Việt Nam. Chúng tôi xây dựng nội dung để khán giả cảm nhận được chân dung, tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh", đạo diễn nói.

Ngoài phân cảnh Nguyễn Ái Quốc độc thoại trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, phần lớn vở diễn là đại cảnh về quần chúng nhân dân. Theo đạo diễn, đây là dụng ý nghệ thuật nhằm thể hiện ý nghĩa cuộc chiến tranh là do dân, vì dân. Nhà hát Kịch Việt Nam huy động gần 100 nghệ sĩ tham gia. Minh Hải từng có kinh nghiệm đóng nhiều vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả trên sân khấu và truyền hình. Diễn viên gây ấn tượng từ vóc dáng, gương mặt, mái tóc đến chất giọng xứ Nghệ. Lê Quang Đạo cũng từng nhiều lần thể hiện vai tương tự.

Chị Trần Hồng (32 tuổi, Hà Nội) nhận xét vở diễn dàn dựng hợp lý, không gợi cảm giác khô cứng của một tác phẩm đề tài lịch sử. "Hàng loạt sự kiện được đưa vào nhưng không bị ôm đồm, khó hiểu. Tôi ấn tượng với cảnh độc thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà tù, nghệ sĩ diễn rất tốt, tạo hình có nhiều điểm tương đồng", khán giả Trần Hồng nói.

Nghệ sĩ Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - cho biết sau buổi diễn tối 24/4, ông Trần Quốc Cường - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, đã mời nhà hát mang vở kịch đến diễn trên địa bàn tỉnh. Nơi đây được nhắc đến trong vở kịch với chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Đang xem: Kịch về chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh